Xe số sàn có ưu điểm vừa có giá thành rẻ, vừa có hiệu suất hoạt động tốt nên được nhiều người lựa chọn học bằng số sàn. Thông qua bài viết dưới đây, Tuấn Anh sẽ hướng dẫn chi tiết cho người bắt đầu học lái xe số sàn. Cùng chúng tôi tìm hiểu ngay nhé!
1. Hiểu về các bộ phận trên xe số sàn
Mục lục
Xe số sàn (hay Manual Transmission – MT) là loại xe ô tô có năm hoặc sáu bánh răng, các bánh răng này sẽ khớp với nhau khi nhấn bàn đạp ly hợp và thao tác với cần số xe. Có thể thấy, không giống như hộp số tự động, xe số sàn cần phải có sự điều khiển của người lái để sang số.
Cụ thể, tại sàn xe khu vực ghế lái của xe số sàn sẽ được bố trí ba bàn đạp và thứ tự tương ứng từ trái sang phải là chân côn – chân phanh – chân ga:
- Chân côn (hay bàn đạp ly hợp): Là loại bàn đạp có chức năng điều khiển sự kết nối giữa động cơ với hộp số.
- Chân phanh: Là loại bàn đạp có chức năng điều khiển hệ thống phanh trên xe ô tô số sàn.
- Chân ga: Là loại bàn đạp có chức năng điều khiển tốc độ xe.
2. Ý nghĩa về các ký tự trên xe số sàn
Sau khi đã nắm được các bộ phận trên ô tô số sàn, việc hiểu rõ ý nghĩa của những ký tự trên loại xe này sẽ giúp quá trình học lái xe số sàn của bạn trở nên dễ dàng hơn. Dưới đây là một số ký tự trên cần số sàn xe ô tô:
- Số trung gian: Được ký hiệu là N (nghĩa là Neutral), số 0 hay số mo.
- Số tiến: Được ký hiệu là số 1, 2, 3, 4, 5,…
- Số lùi: Được ký hiệu là R (nghĩa là Reverse).
Bên cạnh đó, khác với những ký hiệu được in trên cần số sàn xe ô tô, trên tay nắm cần số sẽ được in các ký tự số sàn với sơ đồ hình H, cụ thể như sau:
- Số lẻ như 1, 3, 5,…: Được in nằm ở hàng trên.
- Số chẵn như 2, 4, 6,…: Được in nằm ở hàng dưới.
- Số N: Được in nằm trên đường ngang ở giữa.
- Số R: Được in nằm ở trên, ở dưới hoặc cùng trục ngang với số N (số R phổ biến nhất là nằm dưới cùng bên phải).
Có thể thấy, các số được in trên cần xe ô tô số sàn sẽ có những ý nghĩa khác nhau. Lực dẫn động hộp số cao nhất thường sẽ nằm ở số 1 và giảm dần ở những số tiếp theo. Mặt khác, tốc độ lái xe sẽ thấp nhất ở số 1 và tăng dần ở những cấp số tiếp theo. Chính vì vậy, tùy vào từng thời điểm và tình huống xảy ra, người lái xe cần chọn số sao cho phù hợp để đảm bảo quá trình lái xe số sàn an toàn và chính xác. Sau đây là những gợi ý chọn số xe khi di chuyển dành cho người học lái xe ô tô số sàn:
- Số 1: Là số có lực dẫn động hộp số cao nhất và tốc độ lái xe thấp nhất. Do đó, số 1 này thường được sử dụng khi xe số sàn bắt đầu đề pa khởi hành hoặc khi cần leo các con dốc cao.
- Số 2, 3: Số 2 có lực dẫn động hộp số cao thứ hai và số 3 có lực dẫn động hộp số cao thứ 3. Vì vậy, tài xế thường sử dụng 2 số này để lái xe ô tô số sàn ở tốc độ thấp.
- Số 4, 5, 6: Là những số được sử dụng khi chạy xe ô tô số sàn với tốc độ từ trung bình cho đến cao (do tại thời điểm này xe số sàn không cần lực dẫn động hộp số lớn mà chỉ cần duy trì ở tốc độ ổn định).
3. Hướng dẫn học lái xe ô tô số sàn đơn giản
Nếu đang bắt đầu học lái xe số sàn, bạn có thể tham khảo 15 bước cơ bản lái xe số sàn mà chúng tôi tổng hợp ngay sau đây. Với những thao tác đơn giản và dễ hiểu này, quá trình học nâng bằng số sàn của bạn sẽ trở nên hiệu quả hơn:
Bước 1: Vào vị trí ghế và thắt dây an toàn
Ngồi vào vị trí ghế lái, sau đó thắt dây an toàn đúng cách. Việc thắt dây an toàn này sẽ đảm bảo tài xế và người ngồi trên xe ô tô được bảo vệ trước những rủi ro khi lưu thông trên đường.
Bước 2: Nắm rõ nguyên tắc hoạt động của bộ ly hợp (côn và embrayage)
Đối với xe ô tô số sàn, người lái xe cần ghi nhớ vị trí cần điều khiển chân côn là nằm ở phía ngoài cùng bên trái. Đồng thời, vị trí chính giữa sẽ là phanh và ở ngoài cùng bên phải là chân ga.
Ngoài ra, côn sẽ được nhả ra để truyền động từ động cơ đang quay cho đến các bánh xe, từ đó, cho phép người lái sang số mà không phải cần mài côn của từng số riêng rẽ. Lưu ý rằng, người điều khiển cần nhấn côn trước khi thực hiện thao tác sang số (lên hoặc xuống).
Bước 3: Điều chỉnh ghế ngồi và vị trí vô lăng
Để có tư thế ngồi lái xe thoải mái nhất với vóc dáng cũng như đảm bảo bao quát tầm nhìn xung quanh, người điều khiển xe số sàn cần điều chỉnh vị trí ghế ngồi, gương chiếu hậu, vô lăng,… sao cho phù hợp. Hơn hết, tài xế cần chú ý điều chỉnh vị trí và khoảng cách của ghế sao cho chân trái có thể nhấn hết chân côn xuống sàn.
Bước 4: Đạp và giữ chân côn sát sàn
Khi thực hiện thao tác nhấn chân côn và giữ sát sàn, người lái cần chú ý xem chân côn di chuyển khác với chân phanh và chân ga ra sao. Đồng thời, người điều khiển xe số sàn cần làm quen dần với với việc thả chân côn nhanh và chậm để có thể biết được mức côn hợp lý khi sang số.
Bước 5: Kiểm tra và đảm bảo cần số ở vị trí trung tâm N (Neutral)
N là chữ viết tắt của từ “Neutral”, là vị trí số 0. Khi đang ở vị trí này, động cơ xe số sàn sẽ chạy không tải (nghĩa là hoạt động nhưng không chuyển động). Chính vì vậy, trong các trường hợp như kéo, đẩy xe đi bảo dưỡng hay kéo xe trên đường khi có sự cố, người lái xe cần kiểm tra để chắc chắn rằng cần số luôn nằm ở vị trí trung tâm N để đảm bảo an toàn.
Bước 6: Đạp côn và khởi động xe
Sau khi đã kiểm tra các thao tác trên, người lái xe sẽ đạp chân côn xuống sát sàn xe, đồng thời bật chìa khóa để khởi động xe.
Bước 7: Nhả chân khỏi chân côn
Khi động cơ xe số sàn đã được khởi động, người điều khiển xe có thể nhả chân khỏi chân côn. Lưu ý, lúc này cần số phải luôn ở vị trí trung tâm.
Bước 8: Đạp côn và vào số 1
Chân trái đạp hết hành trình chân côn và tay phải chuyển cần số sang vị trí số 1 (theo sơ đồ trực quan về những số trên đỉnh cần số).
Bước 9: Nhả phanh tay và chân côn cho xe di chuyển
Để xe số sàn di chuyển, người lái từ từ nhả phanh tay và nhấc chân ra khỏi bàn đạp côn cho đến khi nghe tiếng động cơ bắt đầu giảm. Với thao tác này, tài xế có thể lặp lại một vài lần cho tới khi có thể nhận ra âm thanh động cơ này tức thì.
Bước 10: Nhả côn và vào ga
Bạn nhấc chân ra khỏi bàn đạp côn cho đến khi vòng quay giảm từ từ, trong khi đó, chân phải sẽ nhấn nhẹ vào bàn đạp ga. Để thuần thục thao tác này hơn, người lái cần “nhả côn ra và ga vào” một vài lần. Lưu ý, nếu bạn thả chân côn quá nhanh, xe ô tô số sàn sẽ dừng ngay và tắt máy.
Bước 11: Đạp côn và sang số khi vòng tua đạt 2.500 – 3.000 vòng/phút
Thời điểm sang số sẽ phụ thuộc vào tốc độ và vòng tua của từng loại xe số sàn. Thông thường, khi đồng hồ vòng tua máy đạt từ 2.500 – 3.000 vòng/phút, âm thanh động cơ sẽ phát ra khá lớn, khi đó bạn có thể nhấn chân côn và chuyển cần số từ vị trí số 1 xuống vị trí số 2. Vì vậy, người lái cần chú ý để nhận ra âm thanh phát ra, từ đó chọn thời điểm sang số cho phù hợp.
Bước 12: Nhả chân côn từ từ và ấn nhẹ bàn đạp ga
Sau khi đã sang số, người lái xe nên lặp lại thao tác cũ là nhả chân côn từ từ, đồng thời ấn nhẹ bàn đạp ga cho xe ô tô tăng tốc.
Bước 13: Tiếp tục đạp ga và nhả chân côn
Khi xe ô tô số sàn đang cài số và đạp ga, người lái xe nên nhả chân ra khỏi chân côn. Bởi vì, khi để chân nghỉ trên chân côn, người điều khiển có thể sơ xuất nhấn chân côn, từ đó làm tăng áp lực lên chân côn và làm cho chân côn sớm bị hư mòn.
Bước 14: Dừng xe
Khi muốn giảm tốc độ hoặc dừng xe hẳn, người điều khiển cần nhả chân phải ra khỏi bàn đạp ga và nhấn chân phanh xuống. Nếu tốc độ di chuyển của xe còn khoảng 15km/giờ, tài xế có thể cảm nhận xe bắt đầu rung giật nhẹ. Khi đó, người lái cần nhấn hoàn toàn chân côn xuống và di chuyển cần số đến vị trí trung tâm N để tránh xe bị tắt máy.
Bước 15: Thuần thục các thao tác trên và bắt đầu lái xe
Sau khi đã luyện tập các thao trên và trở nên thuần thục cách lái ô tô số sàn, người lái xe đã có thể bắt đầu điều khiển xe ô tô số sàn.
Điều khiển xe số sàn sau khi đã thuần thục các thao tác học lái xe ô tô số sàn
4. Tại sao nên học lái xe số sàn
Học lái xe số sàn ngày càng được nhiều người quan tâm và ưa chuộng. Dưới đây là những ưu điểm mà người lái xe nên học lái xe số sàn:
Giá thành rẻ và dễ bảo trì
Hiện nay, xe ô tô số sàn có mặt ở hầu hết các dòng xe ô tô phổ thông bao gồm xe hạng A, B hoặc xe ô tô 7 với giá thành tương đối rẻ hơn so với xe số tự động từ vài chục triệu cho đến vài trăm triệu đồng. Không những giá bán hợp lý mà xe số sàn còn dễ dàng trong việc bảo dưỡng và sửa chữa khi có cấu tạo hộp số đơn giản.
Hiệu suất hoạt động tốt
Khi hoạt động, xe ô tô số sàn không phải chia một phần công suất của động cơ để chạy bơm dầu cho ly hợp cũng như các bộ phận khác như loại xe tự động. Chính vì vậy, với cùng một dung tích động cơ, phiên bản xe ô tô số sàn có hiệu suất hoạt động tốt hơn dòng xe số tự động.
Mặt khác, xe số tự động thường mất một thời gian trễ nhằm tính toán đúng số và trượt biến mô. Trong khi đó, với xe số sàn việc tính toán này hoàn toàn phụ thuộc vào thao tác của người lái xe. Vậy nên, khi so sánh trong phân khúc xe ô tô phổ thông, dòng xe số sàn có khả năng tăng tốc nhanh hơn phiên bản xe số tự động.
Tiết kiệm nhiên liệu
Theo công bố về mức tiêu thụ nhiên liệu của các hãng xe trên thị trường, so với phiên bản xe số tự động cùng dung tích xilanh, xe ô tô số sàn thường tiết kiệm nhiên liệu hơn từ 10 – 15%. Với ưu điểm này mà xe số sàn được nhiều hãng taxi cũng như tài xế chạy xe dịch vụ chọn lựa.
Hoàn toàn kiểm soát xe khi điều khiển
Với xe hộp số tay, khi điều khiển xe số sàn thì người lái hoàn toàn kiểm soát được việc lái xe. Nghĩa là, bác tài có thể tự đưa ra quyết định khi nào cần chuyển số để phù hợp với tuyến đường và tình huống xảy ra mà không bị phụ thuộc vào các thuật toán đã được lập trình sẵn như xe tự động.
Hơn nữa, khi lái xe số sàn, tài xế phải kết hợp cả tay và chân nên cần có độ tập trung cao để điều khiển xe an toàn hơn. Mặt khác, với ưu điểm có thể đạp côn cắt ly hợp bất kỳ lúc nào, mà khi lái xe số sàn người lái ít xảy ra trường hợp đạp nhầm chân ga.
5. Học bằng lái xe lái số sàn cần học bằng gì?
Nếu muốn học bằng lái xe số sàn, người lái xe có thể học một trong hai bằng là bằng hạng B12 và bằng hạng B2:
- Bằng lái xe ô tô hạng B12: Được phép lái cả xe số tự động và xe ô tô số sàn nhưng không được phép hành nghề lái xe (nghĩa là bằng B12 này chỉ dành cho những ai quá tuổi học bằng B2 và không đủ điều kiện sức khỏe mà vẫn muốn học lái xe ô tô số sàn). Cụ thể hơn, căn cứ vào Khoản 6, Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, bằng lái xe hạng B1 cấp cho những người không hành nghề lái xe để điều khiển những loại xe như:
- Xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, bao gồm cả chỗ ngồi dành cho tài xế lái xe.
- Xe ô tô tải, bao gồm cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải được thiết kế ít hơn 3.500 kg.
- Máy kéo kéo một rơ moóc có được trọng tải thiết kế ít hơn 3.500 kg.
- Người học bằng lái xe ô tô B2: Được phép lái cả xe số sàn và xe số tự động (đã bao gồm hạng B1) và được phép hành nghề lái xe. Cụ thể, theo Khoản 7, Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, hạng B2 cấp cho những người hành nghề lái xe để điều khiển những phương tiện như:
- Xe ô tô chuyên dùng có trọng tải được thiết kế dưới 3.500 kg.
- Xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi dành cho người lái xe.
- Xe ô tô tải, bao gồm cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
- Máy kéo một rơ moóc có trọng tải được thiết kế ít hơn 3.500 kg.